Quản lý hoạt động marketing ở trung tâm bồi dưỡng kỹ năng sống cho học sinh

Tóm tắt:
Bài viết chia sẻ cách hiểu của tác giả về marketing và quản lý hoạt động marketing ở trung tâm bồi dưỡng kỹ năng sống cho học sinh trong bối cảnh ngày càng nhiều cơ sở giáo dục kỹ năng sống được thành lập trong những năm gần đây ở Việt Nam.
Từ khóa: Marketing, quản lý, trung tâm bồi dưỡng kỹ năng sống

1. Đặt vấn đề
Tại Việt Nam, các trung tâm bồi dưỡng kỹ năng sống cho học sinh (TTBDKNS) hoạt động theo nguyên tắc người học tham gia trên tinh thần tự nguyện. Các thành phố lớn trên cả nước là nơi tập trung số lượng lớn các TTBDKNS, trong đó Hà Nội có 37 TTBDKNS trong tổng số 109 trung tâm bồi dưỡng kỹ năng, TP Hồ Chí Minh có 99 tổ chức giáo dục đăng ký giảng dạy kỹ năng sống được cấp phép hoạt động theo quy định của Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT (Quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa) do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Nếu chỉ nhìn vào số lượng TTBDKNS thì không ít người sẽ cho rằng các trung tâm này hoạt động hiệu quả, bởi nếu không hoạt động hiệu quả thì số lượng các trung tâm sẽ không nhiều đến vậy. Thực tế cho thấy nhiều TTBDKNS gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt động tuyển sinh nói riêng. Một trong những nguyên nhân chính là do nhiều bậc cha mẹ hiểu chưa đúng về tầm quan trọng của giáo dục kỹ năng sống đối với học sinh. Phụ huynh có xu hướng ưu tiên đầu tư cho con học thêm ngoại ngữ, các môn văn, thể, mỹ rồi mới đến kỹ năng sống.

Nhu cầu của thị trường chưa cao trong khi số lượng các trung tâm phát triển nhanh dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt, thậm chí là “tranh dành” học sinh. Trong bối cảnh như vậy, marketing đóng vai trò quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của các TTBDKNS tại Việt Nam. Triển khai hoạt động marketing ở các TTBDKNS không phải là việc khó nhưng quản lý hoạt động marketing sao cho đáp ứng được nhu cầu của thị trường và phù hợp với điều kiện của mỗi TTBDKNS không phải là việc đơn giản.

Nguyễn Trường Giang
Ông Nguyễn Trường Giang, tác giả của bài báo khoa học

2. Marketing ở TTBDKNS
Có nhiều cách định nghĩa marketing khác nhau. GS. Philip Kotler cho rằng: “Marketing là quá trình tạo dựng các giá trị từ khách hàng và mối quan hệ thân thiết với khách hàng nhằm mục đích thu về giá trị lợi ích cho doanh nghiệp, tổ chức từ những giá trị đã được tạo ra” [4].

Hiệp hội Marketing Mỹ (American Marketing Association, AMA) định nghĩa marketing như sau: “Marketing là một nhiệm vụ trong cơ cấu tổ chức và là một tập hợp các tiến trình để nhằm tạo ra, trao đổi, truyền tải các giá trị đến các khách hàng, và nhằm quản lý quan hệ khách hàng bằng những cách khác nhau để mang về lợi ích cho tổ chức và các thành viên trong hội đồng cổ đông” [3].

Trong khi đó, Peter Drucker cho rằng: “Nhưng mục đích của marketing là làm sao để biết và hiểu rõ khách hàng thật tốt sao cho sản phẩm hoặc dịch vụ thích hợp nhất với người đó, và tự nó sẽ bán được nó. Lý tưởng nhất, Marketing nên là kết quả từ sự sẵn sàng mua sắm. Từ đó, việc hình thành nên sản phẩm hoặc dịch vụ mới trở nên cần thiết để tạo ra chúng (sự sẵn sàng mua sắm để “tự nó bán được nó”)” [3].

Như vậy, marketing có thể được hiểu là một quá trình tạo dựng và truyền tải các giá trị của sản phẩm và dịch vụ đến khách hàng, quản lý quan hệ với khách hàng bằng những cách khác nhau nhằm hiểu rõ nhu cầu của khách hàng, từ đó mang lại lợi ích cho tổ chức.

Từ cách hiểu về marketing như trên, marketing ở TTBDKNS được khải quát như sau: Marketing ở TTBDKNS là quá trình tạo dựng và truyền tải các giá trị của sản phẩm và dịch vụ đến khách hàng , quản lý quan hệ với khách hàng bằng những cách khác nhau nhằm hiểu rõ nhu cầu của khách hàng, từ đó mang lại lợi ích cho TTBDKNS.

3. Quản lý hoạt động marketing ở TTBDKNS
Quản lý hoạt động marketing ở TTBDKNS chính là việc đưa ra các quyết định khi thực hiện các chức năng quản lý của người lãnh đạo/người quản lý TTBDKNS nhằm tác động tới các cá nhân/tổ chức có liên quan trong hoạt động marketing.

3.1. Chức năng kế hoạch
Lập kế hoạch là một nội dung cơ bản của hoạt động quản lý marketing trong TTBDKNS. Việc lập kế hoạch đảm bảo cho tiến trình quản lý được thực hiện một cách khoa học, có tính logic chặt chẽ, tính hệ thống và phù hợp với định hướng đổi mới quản lý giáo dục hiện nay. Đồng thời, lập kế hoạch giúp hoạt động marketing trong TTBDKNS diễn ra có chất lượng, đạt được hiệu quả tối ưu và mang tính định hướng cho các chức năng tiếp theo.

Bản kế hoạch tác nghiệp hoạt động marketing của TTBDKNS cần được xây dựng theo các bước sau:
– Bước 1: Phân tích bối cảnh của TTBDKNS bằng ma trận SWOT để đánh giá thực trạng các nguồn lực; đưa ra dự đoán, dự báo.
– Bước 2: Xác định các nhiệm vụ cụ thể và các mục tiêu marketing tương ứng của TTBDKNS.
– Bước 3: Xây dựng và đánh giá các phương án marketing.
– Bước 4: Lựa chọn phương án marketing phù hợp nhất.
– Bước 5: Xây dựng các kế hoạch bổ trợ.
– Bước 6: Lượng hóa kế hoạch marketing: Nội dung công việc, yêu cầu thực hiện công việc, tài chính và các công cụ, phương tiện khác, thời gian hoàn thành công việc,…
– Bước 7: Tiếp thu các ý kiến góp ý, phản biện và chỉnh sửa bản kế hoạch (nếu cần) trước khi chính thức ban hành.

3.2. Chức năng tổ chức
Tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động marketing trong TTBDKNS là việc thiết lập mối quan hệ, liên hệ giữa con người với con người trong bộ phận marketing và giữa các bộ phận riêng rẽ ở TTBDKNS thành một hệ thống marketing hoạt động như một thể thống nhất. Điều quan trọng nhất của công tác tổ chức là phải xác định rõ vai trò, vị trí của mỗi cá nhân, mỗi thành viên, mỗi bộ phận, đảm bảo mối liên kết giữa các cá nhân, các thành viên, các bộ phận nhằm tạo nên sự thống nhất và đồng bộ bởi đây là yếu tố đảm bảo cho thành công trong tổ chức hoạt động marketing.

Về bản chất, nội dung tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động marketing trong TTBDKNS là việc thực hiện phân công lao động một cách khoa học, là cơ sở để tạo ra năng suất lao động cao. Chức năng tổ chức có nhiều nội dung, trong đó hai nội dung chính là tổ chức cơ cấu và tổ chức quá trình.
– Tổ chức cơ cấu là việc thiết kế một cấu trúc tổ chức vận hành hiệu quả nhằm đạt được các mục tiêu marketing của tổ chức bao gồm việc thiết kế cơ cấu tổ chức quản lý và xác định nhiệm vụ cho mỗi bộ phận trong cơ cấu. Mô hình tổ chức của TTBDKNS thường được thiết kế theo mô hình tổ chức theo chức năng, trong đó bộ phận Marketing chịu trách nhiệm chính trong việc thực thi hoạt động marketing còn các bộ phận khác đóng vai trò phối hợp, hỗ trợ.
– Tổ chức quá trình là việc thiết kế quá trình quản lý hoạt động marketing bao gồm: Xác định quyền hạn, trách nhiệm của bộ phận marketing; xác định mối quan hệ của bộ phận marketing với các bộ phận khác; xây dựng nội quy, quy chế hợp tác nội bộ và giữa các bộ phận.

3.3. Chức năng chỉ đạo
Công tác chỉ đạo hoạt động marketing trong TTBDKNS là quá trình hướng dẫn thực hiện, giám sát, động viên, thúc đẩy các thành viên làm việc một cách tốt nhất để hoàn thành các mục tiêu theo kế hoạch. Chỉ đạo về thực chất là những hành động xác lập quyền chỉ huy và sự can thiệp của chủ thể quản lý trong toàn bộ quá trình quản lý hoạt động này, chính là việc huy động các lực lượng vào việc thực hiện và điều hành các hoạt động để hoàn thành kế hoạch đề ra. Những nội dung chính của chức năng chỉ đạo gồm: Hướng dẫn thực hiện; điều chỉnh công việc; động viên, khuyến khích, khen thưởng.
– Hướng dẫn thực hiện: Giao việc và hướng dẫn thực hiện là hai nội dung song hành với nhau, người quản lý chính là người đồng hành cùng cấp dưới trong suốt quá trình thực hiện công việc. Trong TTBDKNS, nếu áp dụng mô hình tổ chức theo chức năng, Giám đốc trung tâm sẽ là người hướng dẫn và ủy quyền cho trưởng bộ phận marketing, trưởng bộ phận marketing sẽ trực tiếp chỉ thị, hướng dẫn nhân viên của bộ phận mình quản lý.
– Điều chỉnh công việc: Việc điều chỉnh này đến từ kết quả của kiểm tra, giám sát thực hiện hoạt động marketing. Người quản lý thực hiện điều chỉnh nhằm đảm bảo các bộ phận, cá nhân không đi chệch mục tiêu công việc và để đối phó với những thách thức, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện công việc.
– Động viên, khuyến khích, khen thưởng là việc không thế thiếu khi người quản lý thực hiện chức năng chỉ đạo. Động viên, khuyến khích, khen thưởng những cán bộ, nhân viên có thành tích tốt trong hoạt động marketing sẽ giúp tạo động lực để cán bộ, nhân viên phấn đấu và tích cực làm việc hơn nữa, đồng thời tạo ra môi trường làm việc cạnh tranh lành mạnh. Để có thể đạt được hiệu quả tích cực từ việc khen thưởng, người quản lý cần thực hiện khen thưởng theo các nguyên tắc: chính xác, công khai, công bằng và kịp thời.

3.4. Chức năng kiểm tra
Kiểm tra hoạt động marketing trong TTBDKNS là quá trình thu thập thông tin về việc thực hiện kế hoạch marketing đã đề ra; trong khi đánh giá là so sánh giữa mức độ thực hiện với mục tiêu đề ra. Kiểm tra, đánh giá hoạt động marketing trong TTBDKNS được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả, kiểm soát và điều chỉnh những sai sót (nếu có) trong quá trình thực hiện. Để thực hiện hiệu quả hoạt động kiểm tra, người quản lý cần áp dụng quy trình kiểm tra gồm các bước: Thiết lập các tiêu chuẩn; đo lường và đánh giá sự thực hiện các hoạt động; đưa ra các giải pháp điều chỉnh.
– Thiết lập các tiêu chuẩn chính là công việc đầu tiên của quá trình kiểm tra. Nó đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định đối với chất lượng của hoạt động kiểm tra. Tiêu chuẩn được phân ra thành tiêu chuẩn định tính và tiêu chuẩn định lượng.
– Đo lường và đánh giá sự thực hiện các hoạt động: Đo lường xuất phát từ những tiêu chuẩn đã được xác lập. Đo lường là để dự báo được những sai lệch trước khi chúng trở nên trầm trọng, để rút ra những kết luận đúng đắn về hoạt động và kết quả thực hiện cũng như nguyên nhân của những sai lệch. Đánh giá là xem xét sự phù hợp giữa kết quả đo luờng so với hệ tiêu chuẩn.
– Đưa ra các giải pháp điều chỉnh: Khi phát hiện những ưu điểm của hoạt động và kết quả hoạt động marketing của TTBDKNS, người quản lý cần đưa ra các giải pháp nhằm phát huy, kế thừa và nhân rộng nó. Bên cạnh đó kịp thời khích lệ, động viên bằng các hình thức khen thưởng đối với các cá nhân, bộ phận thực hiện tốt công việc được giao. Khi phát hiện ra sai lầm và sai lệch trong hoạt động marketing, người quản lý cần tập trung phân tích vấn đề để tìm ra nguyên nhân sai lầm và sai lệch, từ đó đưa ra những giải pháp điều chỉnh hữu hiệu.

4. Kết luận
Có thể khẳng định, marketing đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công của bất kỳ TTBDKNS nào, nhất là trong bối cảnh nhu cầu của thị trường chưa cao do giáo dục kỹ năng sống cho học sinh chưa phải là nội dung được đầu tư học tập thuộc diện ưu tiên số 1 của các bậc phụ huynh. Mặc dù vậy, tiềm năng của thị trường là rất lớn bởi ngày càng nhiều cha mẹ học sinh nhận thức đúng đắn hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục kỹ năng sống đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Để thực hiện hiệu quả hoạt động marketing cho TTBDKNS, không gì khác ngoài việc người quản lý cần thực hiện đầy đủ, linh hoạt 4 chức năng quản lý gồm: Lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, chỉ đạo, kiểm tra.

Theo Tạp chí Quản lý giáo dục

Tài liệu tham khảo:
1. Trần Kiểm (2012), Những vấn đề cơ bản của khoa học quản lý giáo dục, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Hà Nội
2. Internet: https://hoitamlygiaoduchanoi.org/marketing-trong-mo-hinh-trung-tam-giao-duc-ky-nang-song-va-stem-cho-hoc-sinh
3. Internet: https://vi.wikipedia.org/wiki/Marketing
4. Internet: https://www.uef.edu.vn/nganh/marketing-51

Summary:
The article shares the author’s understanding of marketing and marketing management at life skills training centers for students in the context that more and more centres have been established in recent years in Vietnam.

Thông tin tác giả:
Nguyễn Trường Giang
Đơn vị công tác: Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội, Trung tâm tư vấn giáo dục EDC, Công ty CP Quốc tế DoCom
Lĩnh vực nghiên cứu chính: Giáo dục STEM, giáo dục kỹ năng sống, marketing
Email: [email protected]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *